Sử dụng bê tông lắp ghép tấm lớn trong xây dựng nhà ở: Cần nghiên cứu một cách khoa học

07.05.2015

Chủ trương của Chính phủ là phát triển nhà ở xã hội với giá thành rẻ và chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn về nhu cầu nhà ở cho người lao động trên cả nước. Tại một cuộc làm việc với Bộ Xây dựng mới đây, một lãnh đạo của UBND TP Hà Nội nêu vấn đề ứng dụng công nghệ bê tông đúc sẵn vào đảm bảo sự đa dạng trong kiến trúc, giảm giá thành xây dựng. Xoay quanh những ưu, nhược điểm của phương pháp này, Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Chủng - chuyên gia Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, cố vấn cao cấp Viện KHCNXD.

Công nghệ thi công bê tông lắp ghép đúc sẵn có lịch sử hình thành lâu đời trên thế giới. Nhưng với Việt Nam, công nghệ này có chỗ đứng như thế nào, thưa ông?

Năm 1824, người Anh phát minh ra xi măng tại vùng Portland và tới năm 1848 ngành công nghiệp xi măng hiện đại chính thức hình thành tạo sự đột phá trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. Tới năm 1855, vật liệu bê tông cốt thép (BTCT) chính thức ra đời. Ban đầu BTCT tại chỗ liền khối là chính và đầu thế kỷ XX BTCT lắp ghép bắt đầu xuất hiện với các cấu kiện đơn giản như cọc, dầm, cột dùng phổ biến trong xây dựng công trình công nghiệp, quân sự. Vào các năm sau chiến tranh thế giới lần thứ II, với mục tiêu tập trung lo nhà ở cho dân, công nghệ xây dựng nhà ở bằng kết cấu BTCT lắp ghép ở các nước châu Âu được chăm lo hoàn thiện. Kết cấu BTCT lắp ghép đã tạo lợi thế về tốc độ xây dựng ban đầu là hệ kết cấu khung, hệ kết cấu lắp ghép từ các cấu kiện tấm lớn được hình thành và phát triển mạnh mẽ sau năm 1954 tại các nước châu Âu mà nổi bật ở các nước Bỉ, Tiệp và đặc biệt ở Liên Xô (cũ).
Công nghệ xây dựng từ các cấu kiện tấm lớn lắp ghép đã được Việt Nam nghiên cứu và áp dụng từ cuối 1960 và phát triển mạnh trong thập niên 70 của thế kỷ trước. Ban đầu cũng là hệ kết cấu khung dầm gác các tấm sàn đúc sẵn nhưng sau đó các khu chung cư lớn như Giảng Võ, Thành Công, Kim Liên, Thanh Xuân, Nghĩa Đô… (Hà Nội) và một số khu nhà ở tại TP Hải Phòng, Việt Trì, Thanh Hóa, Nghệ An… được hình thành từ công nghệ lắp ghép tấm lớn.

ung dung be tong duc san cho nha lap ghep

Trải qua thời gian sử dụng công nghệ này ở Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về ưu và nhược điểm của chúng?

Ưu điểm lớn nhất của công nghệ lắp ghép tấm lớn là có thể công nghiệp hóa được ngành Xây dựng và giảm thiểu thời gian xây dựng. Như chúng ta biết, công trình xây dựng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố trong suốt thời gian xây dựng mà yếu tố khí hậu trong điều kiện xây dựng ở Việt Nam có tác động không nhỏ ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình. Mặt khác, do phần lớn cấu kiện được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp thông qua các công đoạn kiểm tra trong nhà xưởng nên chất lượng sản phẩm được đảm bảo ở mức tốt nhất. Các công việc còn lại ở hiện trường giảm thiểu đáng kể thời gian, nhân lực và đặc biệt là giảm khối lượng vật liệu cho biện pháp thi công như đà giáo, cốp pha so với việc đổ bê tông tại chỗ.
Tuy vậy, công nghệ lắp ghép nhà ở từ các tấm lớn bằng BTCT còn những hạn chế như sự đơn điệu về kiến trúc và cần có phương tiện thi công hiện đại như cần cẩu, xe chở cấu kiện…

Có ý kiến cho rằng sử dụng bê tông tấm lớn lắp ghép trong xây dựng nhà ở xã hội sẽ giảm giá thành công trình. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Rõ ràng một công nghệ xây dựng mới phải mang lại sự ưu việt. Nếu nói tới giảm giá thành phải tính lợi ích tổng thể mà phương pháp này mang lại. Đầu tiên là hiệu quả do các cấu kiện được sản xuất từ các dây chuyền công nghiệp tạo được năng suất rất cao và các giá trị gia tăng cũng lớn theo; tiếp theo là các chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất có thể giảm ở mức tối thiểu; các chi phí quản lý cũng được giảm thiểu do chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa cao trong quá trình sản xuất; rủi ro về chất lượng được chủ động nhận dạng và khắc phục. Do công nghiệp hóa quá trình xây dựng nhà ở, các cấu kiện được điển hình hóa nên chi phí thiết kế được giảm thiểu. Nhưng giá thành xây dựng giảm đáng kể chính là tiến độ thi công nhanh và chất lượng được kiểm soát tốt và tuổi thọ công trình được đảm bảo.

Vậy, hướng đi nào đối với công nghệ sử dụng bê tông tấm lớn cho nhà lắp ghép trong tương lai ở Việt Nam, thưa không?

Không có lý do gì mà sự ưu việt của công nghệ xây dựng theo phương pháp lắp ghép không được khai thác trong chương trình lo nhà ở cho nhân dân trong thời gian tới. Bên cạnh những ưu điểm, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những mặt tồn tại của các công trình xây dựng theo công nghệ này đã áp dụng ở nước ta trong giai đoạn 1970 - 1980. Đó là sự áp dụng ào ạt theo kiểu “phong trào” cùng với việc kiểm soát chất lượng xây dựng bị buông lỏng, công tác bảo trì công trình gần như không tồn tại khiến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của hầu hết các khu nhà lắp ghép mặc dù mới qua được một phần tư tuổi thọ mong muốn, tạo lên hình ảnh “xấu xí” trong cư dân về loại nhà này. Điều đó, khiến người dân quay lưng với nhà lắp ghép.

Vậy, chúng ta muốn phát triển loại nhà này, phải đầu tư nghiên cứu một cách khoa học, nghiêm túc về mọi vấn đề làm cơ sở cho sự triển khai đại trà công nghệ này. Các nước quanh ta như Singapore, Malaysia đang xây dựng nhà ở cho dân chủ đạo bằng công nghệ này.

Trích dẫn: Ngọc Hà, Báo Xây dựng, http://goo.gl/ZW6IoL